Không thấy xác nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường, bác sĩ có tội giết người?

Nếu không tìm được thi thể nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường, hoặc tìm được mà các bằng chứng về cái chết của nạn nhân không được lưu lại thì CQĐT phải xử lý như thế nào?

Ngày 29/10, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – GĐ Công an TPHN cho biết: “Vấn đề là phải tìm được xác nạn nhân thì mới định được đúng tội danh”. Vậy, khi không thể tìm được thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền hoặc khi tìm được thi thể mà các bằng chứng về cái chết của nạn nhân đã không được lưu lại thì cơ quan điều tra phải xử lý như thế nào?
Một trong những đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của định tội danh đó là phải thiết lập, xem xét, đánh giá đúng các tình tiết của vụ án đã xảy ra trên thực tế khách quan; tiếp đó, cơ quan điều tra cần nhận thức một cách thống nhất và chính xác nội dung quy phạm pháp luật hình sự phản ánh các dấu hiệu cấu thành tội phạm có hướng lựa chọn; sau đó là quá trình so sánh, đối chiếu giữa hai quá trình trên; cuối cùng cơ quan điều tra đưa ra kết luận về tội danh chính xác.

Thạc sĩ, Luật sư Hồ Ngọc Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Công Phúc
Theo các bước tiến hành như vậy, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội hiện đang tiến hành bước đầu tiên (thiết lập, xem xét, đánh giá đúng tình tiết vụ án diễn ra trên thực tế) trong quá trình định tội danh đối với các nghi can: Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh.
Để làm rõ hơn quá trình, cách thức định tội danh đối với những hành vi của Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh, PV Báo ĐS&PL đã có trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Hồ Ngọc Hải -  Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Công Phúc về vấn đề xác định trách nhiệm hình sự và định tội danh với hai nghi can trên.
Nghi can Tường không vi phạm quy tắc nghề nghiệp
PV: Thưa Luật sư, ngày 29/10, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – GĐ Công an TPHN nói về vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: “Vấn đề là phải tìm được xác nạn nhân (Lê Thị Thanh Huyền – PV) thì mới định được đúng tội danh”. Luật sư có nhận định gì về nội dung trả lời của Thiếu tướng Chung?
+ Quan điểm của tôi cũng ủng hộ ý kiến của Thiếu tướng Chung. Tôi cho rằng, trong vụ án này, nghi can Nguyễn Mạnh Tường có dấu hiệu thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Việc tìm được thi thể chị Huyền khẳng định về sự thật khách quan cái chết của chị Huyền và tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết để củng cố chứng cứ, hồ sơ vụ án nhằm định tội danh đối với các nghi can.
PV: Xin Luật sư nêu chi tiết hơn.
+ Căn cứ vào lời khai của Tường, Khánh và một số nhân viên êkíp thực hiện ca phẫu thuật đều nhận thấy điểm chung là những người này đều khẳng định, xác nhận về cái “chết” của chị Huyền và vì nguyên nhân đó dẫn đến bác sĩ Tường đã chỉ đạo thực hiện việc xóa dấu vết hiện trường, mang thi thể nạn nhân khỏi Thẩm mỹ viện Cát Tường. Điều đó có nghĩa là trong nhận thức chủ quan của Tường, Khánh, các thành viên êkíp đều công nhận về hậu quả chết người xảy ra (Nhận thức về hậu quả).
Pháp luật hình sự Việt Nam khi xác định các cấu thành tội phạm giết người cũng không quy định hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc (cấu thành vật chất) để định tội danh theo Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Người thực hiện hành vi chỉ cần mong muốn thực hiện hành vi có thể gây chết người (cố ý với hành vi nguy hiểm đến tính mạng con người) nhằm mục đích cá nhân và thực tế đã thực hiện hành vi đó thì đã cấu thành đầy đủ dấu hiệu “hành vi giết người” (mặt khách quan) và lỗi (mặt chủ quan) của tội phạm giết người.

Bác sĩ Tường thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không có chuyên môn.
Nghi can Nguyễn Mạnh Tường đã thực hiện hành vi phẫu thuật, thẩm mỹ (dù không có khả năng về chuyên môn được Nhà nước công nhận) đối với chị Huyền nhằm mục đích kiếm lợi nhuận cá nhân; hành vi của Tường đã được thực hiện dù cá nhân Tường biết rõ khi thực hiện quá trình phẫu thuật, thẩm mỹ có nguy cơ cao gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng chị Huyền. (Ngay cả trong các đơn vị, tổ chức được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ và có bác sĩ chuyên môn thì cũng không thể lường trước được tất cả các nguy cơ này).
Như vậy, tội phạm giết người (với lỗi cố ý gián tiếp) hoàn thành vào thời điểm Tường và êkíp nhận định chị Huyền đã chết.
PV: Một vài chuyên gia và các Luật sư khác cho rằng nghi can Tường chỉ có thể phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Luật sư có bình luận gì ý kiến này?
+ Cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm định tội danh như vậy.
Vi phạm quy tắc nghề nghiệp là những vi phạm quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước; các cơ quan Nhà nước như các Bộ, các ngành quy định. Và người vi phạm quy tắc nghề nghiệp là người có thẩm quyền, chức năng, chuyên môn trong hoạt động nghề nghiệp nhất định.
Hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp chính là hành vi mà người có thẩm quyền, chức năng và chuyên môn nghề nghiệp mặc dù có nghĩa vụ phải tuân thủ và thực hiện đúng nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiêp của mình. Tuy nhiên, người này không tuân thủ, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc trong nghề nghiệp của mình dẫn đến hậu quả là  gây thiệt hại cho người khác.Quy tắc nghề nghiệp liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh ở nước ta hiện nay được quy định bởi Luật khám chữa bệnh 2009 và các văn bản quy pháp luật về khám chữa bệnh khác như Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/09/2011, …
Tôi cho rằng: Nghi can Tường không vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo nội dung quy định tại điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), bởi vì Tường không được công nhận có đủ tư cách thực hiện quy tắc nghề nghiệp.
Mọi người hay nhầm lẫn về bác sĩ là một nghề nghiệp chung nhất; thực tế không phải như vậy, theo cách hiểu dân gian thì nghề y là nghề chung nhất cho mọi bác sĩ. Pháp luật nước ta không quy định bất kỳ nội dung nào về quy tắc nghề y mà chỉ có các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các bác sĩ chuyên khoa – Đây mới là quy tắc nghề nghiệp của từng bác sĩ chuyên môn.
Ví dụ thế này: Một bác sĩ nha khoa có quy tắc nghề nghiệp của lĩnh vực nha khoa điều chỉnh, bác sĩ ngoại khoa có quy tắc trong lĩnh vực ngoại khoa điều chỉnh; vì thể một bác sĩ nha khoa không thể bị điều chỉnh bởi các quy tắc nghề nghiệp của bác sĩ ngoại khoa, trừ khi họ cũng là một bác sĩ ngoại khoa.
Do đó, bác sĩ Tường không thể bị điều chỉnh bởi quy tắc nghề nghiệp của bác sĩ phẫu thuật, thẩm mỹ do không có chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực này và cũng không thể vi phạm quy tắc nghề nghiệp của bác sĩ phẫu thuật, thẩm mỹ.
PV: Vậy, một vài ý kiến cho rằng nghi can Tường có thể bị truy cứu TNHS về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, … hoặc dịch vụ y tế khác theo điều 242 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009). Quan điểm của  Luật sư về ý kiến này?

Nếu không tìm được xác nạn nhân thì cũng không làm thay đổi tội danh giết người của nghi can Nguyễn Mạnh Tường.
+ Hành vi của Tường và các nghi can khác không phù hợp với cấu thành tội phạm tại điều 242 Bộ luật hình sự vì hai lý do sau:
Thứ nhất: Hoạt động khám chữa bệnh ở nước ta hiện nay được quy định bởi Luật khám chữa bệnh 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh khác như Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/09/2011, v.v… Do đó, một người muốn hành nghề khám chữa bệnh thì phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (Chương III – Người hành nghề khám chữa bệnh – Luật khám chữa bệnh 2009).
Sau khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thì người có Chứng chỉ hành nghề này được hành nghề khám chữa bệnh. Theo đó, người hành nghề khám chữa bệnh chỉ được làm những quyền mà pháp luật cho phép (được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề, được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, …)
Đồng thời phải tuân thủ và thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hoạt động khám chữa bệnh theo quy định pháp luật (Thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu …). Việc người hành nghề khám chữa bệnh thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi khám chữa bệnh chính là hoạt động tuân thủ quy tắc nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, khi người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh hành nghề khám chữa bệnh mà không tuân thủ và thực hiện đúng quy tắc nghề nghiệp về khám chữa bệnh thì đó chính là hành vi vi phạm quy tắc khám chữa bệnh. Nếu hành vi này xâm hại tới các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ thì căn cứ vào hậu quả của hành vi, người hành nghề khám chữa bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.
Thứ hai: Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường được Sở Y tế Hà Nội cấp phép thực hiện một vài dịch vụ y tế nhưng không được cấp phép dịch vụ phẫu thuật, thẩm mỹ, đồng thời nghi can Tường cũng không có chuyên môn trong lĩnh vực phẫu thuật, thẩm mỹ nên dấu hiệu vi phạm quy định về dịch vụ y tế không phù hợp.
Điều 242 Bộ luật hình sự chỉ áp dụng với những cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc cung cấp dịch vụ y tế đã được cơ quan nhà nước cấp phép mà trong quá trình thực hiện đã không thực hiện đúng quy định gây hậu quả đến mức bị truy cứu TNHS.
Xin nói thêm là đối với tội danh tại Điều 99 và Điều 242 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người thực hiện hành vi phải có lỗi vô ý, nhưng quá trình phân tích các hành vi của nghi can Tường thì Tôi thấy dấu hiệu lỗi cố ý gián tiếp trong chuỗi hành vi của nghi can này nên việc định hai tội danh này cho Tường là không phù hợp với pháp luật hình sự Việt Nam.
Tội danh giết người của Tường không thay đổi
PV: Theo Luật sư, vai trò của bảo vệ Đào Quang Khánh trong vụ án này như thế nào?
+ Như đã nói ban đầu, hiện chưa tìm được thi thể chị Huyền nên chưa xác định cụ thể nguyên nhân chết nhưng kết quả này chỉ thay đổi về tội danh đối với nghi can Đào Quang Khánh mà không làm thay đổi tội danh giết người của nghi can Nguyễn Mạnh Tường.
Trong trường hợp phát hiện thi thể và kết luận chị Huyền đã chết (thực tế) trước khi Khánh và Tường mang xác phi tang xuống Sông Hồng thì Khánh chỉ có đầy đủ cấu thành của tội che giấu tội phạm theo Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:
- Điều 93 (tội giết người);”
Trong trường hợp phát hiện thi thể và kết luận chị Huyền đã chết (thực tế) vì ngạt nước do hành vi của Tường và Khánh ném xuống Sông Hồng thì cả Tường và Khánh đều là đồng phạm trong tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong trường hợp này, Tường và Khánh là đồng phạm cùng cố ý trực tiếp thực hiện hành vi giết người. Riêng với Tường ở trường hợp này đã có sự chuyển hóa tội phạm (tính chất và mức độ của hành vi nguy hiểm) từ lỗi cố ý gián tiếp thực hiện hành vi giết người sang lỗi cố ý trực tiếp thực hiện hành vi giết người.
Ngoài ra, khi phát hiện thi thể chị Huyền cũng có thể khẳng định thêm một số tình tiết tăng nặng theo điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị can Tường và khẳng định về dấu hiệu đồng phạm của một số cá nhân khác trong êkíp thực hiện phẫu thuật, thẩm mỹ để truy cứu TNHS.
Như vậy, dù khi phát hiện thi thể chị Huyền cho kết luận nào đi nữa thì tội danh giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được áp dụng cho nghi can Tường là phù hợp với tình tiết vụ án và quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Luật sư đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
“Định tội danh là sự xác định về mặt pháp lý hình sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế khách quan với các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong bộ luật hình sự. Hay nói cách khác, định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nào trong số các tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự”.
(Đời Sống & Pháp Luật)


Ads: Chia sẻ cach giam mo bungcach lam trang da an toàn hiệu quả tại nhà