Điều hành tỷ giá nhảy múa

Trong 2 tuần qua, các NHTM đồng loạt đưa giá bán USD lên kịch trần là 21.036 đồng. Thậm chí cuối tuần qua, tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chiều bán ra USD đã tăng gần hết biên độ 1% khi chạm mức 21.360 đồng.
Sẽ là rất lý tưởng nếu nhà điều hành có thể đạt được tất cả các mục tiêu ổn định thị trường tài chính, ổn định tỷ giá, tiền tệ… để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát. Song thực tế, việc ổn định tỷ giá đòi hỏi chính sách linh hoạt, sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chính sách khác mới đem lại kết quả như kỳ vọng.

Ngăn tỷ giá "nhảy múa"

Ở cương vị lãnh đạo của Vụ Quản lý ngoại hối, ông Huy là người thấm thía nhất những khó khăn, áp lực khi làm sao phải đảm bảo mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Nếu điều hành tỷ giá "lỏng" sẽ gây bất ổn thị trường, mà "cứng" quá sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

"Thực sự, điều hành tỷ giá hối đoái là một việc rất khó. Vì tỷ giá vừa là công cụ, vừa là mục tiêu điều hành và gánh trên vai rất nhiều yêu cầu, như: đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối, tăng khả năng cạnh tranh, vĩ mô ổn định, làm sao cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn…", ông Huy nhấn mạnh.

Diễn biến thực tế cho thấy tỷ giá VND/USD đã liên tục "nhảy múa" trong suốt giai đoạn 2008 - 2011, tăng tới 6,3 - 10,07%. Điều này đã gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối, doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại vì tỷ giá biến động quá mạnh. Từ năm 2011, NHNN phối hợp đồng bộ hàng loạt công cụ chính sách tiền tệ mới "kìm cương" được tỷ giá (chỉ tăng nhẹ 2,2%) và dần đi vào ổn định. Với xu hướng và diễn biến thị trường ngoại tệ hiện nay, giá
USD năm 2013 ước tính chỉ tăng 1,4 - 1,5%.

Khi tỷ giá nổi "sóng" hồi đầu năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng có ý kiến khác lo ngại việc phá giá VND sẽ gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, gia tăng lạm phát, làm nhà đầu tư hoang mang… Trước những quan điểm trái chiều, NHNN vẫn kiên trì giữ ổn định tỷ giá ở mức tương đối giữa VND và các loại ngoại tệ chủ chốt.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc giữ ổn định tỷ giá hối đoái trong suốt năm 2012 và đến giữa năm 2013 mới điều chỉnh nhỏ giọt ở mức 1% là một nỗ lực của NHNN. Cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 3% của NHNN hồi đầu năm là một yếu tố quan trọng để xã hội, nước ngoài tin tưởng vào chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam.

"Nếu không thay đổi cách thức xuất khẩu, nhập khẩu, vẫn dựa vào vốn đầu tư nước ngoài thì chính sách tỷ giá không cần thay đổi. Và tỷ giá có thể diễn ra đúng như kịch bản của đại diện Ngân hàng HSBC đưa ra (tỷ giá VND/USD sẽ ổn định quanh mức 21.500 VND/USD trong năm 2014 - 2015)", ông Ánh nói và kỳ vọng những diễn biến thị trường ngoại hối trong quá khứ sẽ là kinh nghiệm để NHNN đưa ra giải pháp điều chỉnh tỷ giá hợp lý hơn trong các năm tới.
Ông Huy chia sẻ có 3 áp lực dẫn đến sự điều chỉnh tỷ giá: sự mất cân đối cung - cầu ngoại tệ, hiện tượng đầu cơ, tâm lý bất ổn của người dân. Trong đó, khi cung - cầu bị mất cân đối, khả năng lớn là NHNN phải điều chỉnh tỷ giá nếu không sẽ phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Còn nếu áp lực xuất phát từ tâm lý bất ổn và đầu cơ thì có thể xử lý dễ hơn.

Gánh nặng "tỷ đô"



Nhìn lại 2 năm qua, ông Huy cho rằng chính sách điều hành thị trường ngoại hối của NHNN đã phát huy hiệu quả. Đến thời điểm này, NHNN hoàn toàn có thể điều hành lượng tiền cung ứng và thanh khoản dư thừa tạm thời trong hệ thống, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Một tác động quan trọng của tỷ giá ổn định là góp phần đưa cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư ở mức cao, hơn 10 tỷ USD (năm 2012). Năm 2013, dự báo sẽ thặng dư khoảng 7 - 8 tỷ USD. Điều này đã tạo điều kiện cho NHNN tăng mua USD, cải thiện dự trữ ngoại hối quốc gia ở mức trên 22 tỷ USD năm ngoái và khả năng tăng lên khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Đây được coi là ranh giới an toàn cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Mức dự trữ này sẽ giúp ổn định tỷ giá, đảm bảo sẵn sàng can thiệp thị trường, khiến giới đầu cơ muốn lũng đoạn cũng phải dè chừng vì có thể gánh chịu thiệt hại lớn.

Nhờ tỷ giá ổn định, thị trường vàng bớt "sóng" to, giá vàng đi dần vào ổn định theo đúng định hướng của nhà điều hành. Tâm lý đầu cơ, tích trữ vàng của người dân cũng phần nào bớt sôi sục và hạn chế tình trạng "vàng hóa".

Sự ổn định của tỷ giá sẽ tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng. Vì tỷ giá chỉ cần tăng 3 - 4% thì số nợ mỗi năm sẽ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bỗng dưng gánh lỗ chênh lệch tỷ giá rất lớn.

Với chừng ấy mục tiêu quan trọng, việc điều chỉnh tỷ giá "linh hoạt" và "không gây sốc" cho nền kinh tế sẽ phải được nhà điều hành cân nhắc thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường ở từng thời điểm. Sẽ khó có câu trả lời cụ thể, nhưng ông Huy cho rằng cần có một số tiền đề quan trọng, như: NHNN phải làm chủ thị trường tiền tệ một cách vững chắc, điều hành lãi suất tương đối chủ động (nhất là lãi suất ngắn hạn), áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, kiểm soát luồng vốn "nóng" ra vào ra thị trường…


Hoa Tâm(Theo Thời Báo Kinh Doanh)


Ads: Chia sẻ cach giam mo bungcach lam trang da an toàn hiệu quả tại nhà