Tại hội nghị quốc tế về truyền hình trả tiền ở Việt Nam, được tổ chức
ngày 11/9, lãnh đạo các đơn vị cho rằng cước thuê bao quá thấp là nguyên nhân chính
khiến Việt Nam chưa có nhiều chương trình chất lượng cao.
Về phía các nhà sản xuất, cước phí thấp đang là lý do được
đưa ra để biện giải cho việc Việt Nam không có nhiều chương trình chất lượng
cao. "Nội dung trong nước của truyền hình trả tiền rất kém do không có nhiều
kinh phí để sản xuất nội dung", bà Ngô Bích Hạnh - Phó tổng giám đốc
Vietnam Media Corp BHD phát biểu.
"Hiện có những thuê bao hàng tháng xem được 70-100 kênh
mà chi phí có thể chưa bằng một bữa ăn sáng. Nếu chỉ bỏ số tiền như vậy mà có
thể hưởng thụ được mọi tinh hoa trong một tháng thì quả là bất công với người
sáng tạo", bà Nguyên Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và Giải trí
Q.net nhận định.
Ông Bùi Huy Năm - Phó tổng giám đốc Truyền hình Cáp Việt Nam
(VTVcab) cũng ca thán không đâu cước truyền hình trả tiền lại rẻ như Việt Nam.
Trong khi đó, theo xu hướng của thế giới, vị này cho rằng cước truyền hình sẽ
chỉ giữ giá hoặc tăng lên, còn khó chuyện sẽ giảm xuống.
Trước vấn đề này, ông Vũ Tú Thành - Cố vấn Hiệp hội truyền
hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương cho biết các kênh truyền hình trả tiền
không nên cạnh tranh về giá mà nên chú trọng vào chất lượng. "Nếu chỉ nhìn
vào giá thì không nói lên điều gì. Cần phải chú trọng tạo nhiều lựa chọn hơn
cho người tiêu dùng", ông cho hay. Theo đó, những sản phẩm truyền hình cần
dựa trên cơ sở đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và khả năng chi trả của khách hàng và
có thể đáp ứng các phân khúc khác nhau.
Việt Nam đã có 6,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Ảnh: Anh Quân
Ông Lê Đình Cường - Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền
Việt Nam cũng nhấn mạnh để phát triển, các đơn vị truyền hình trả tiền cần cạnh
tranh trong sự hợp tác, không nên dùng những chiêu trò khuyến mại gây bất lợi
cho các đơn vị khác. Từ đó, Hiệp hội đang tính tới việc xây dựng đề án về giá
sàn cước phí truyền hình trả tiền để tránh việc một số đơn vị hạ giá thấp hơn
giá thành để cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang có
khoảng 4 triệu thuê bao trên cả nước và vẫn được đánh giá là "mảnh đất
chưa khai thác hết". Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đang
có 40 công ty truyền hình trả tiền hoạt động nhưng thực tế thị phần chỉ nằm
trong tay những "ông lớn" như VTV (sở hữu VCTV, SCTV,K+), BTS (Hà Nội),
HTVC (TP HCM) và VTC. Trong đó VTV nắm gần 3 triệu thuê bao (hơn 70%).
Doanh thu quảng cáo của ngành truyền hình tăng 10%, từ mức
523 triệu USD năm 2012 lên 573 triệu USD năm 2013, đóng góp chủ yếu vào doanh
thu toàn ngành. Riêng doanh thu quảng cáo trên truyền hình trả tiền năm qua đạt
125 triệu USD, tăng trưởng tới 100%.
Mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra trong quy hoạch
phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến 2020 là có được khoảng
30-40% số hộ gia đình xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu
thuê bao) tính đến 2015. Tiếp đó tới năm 2020 sẽ nâng lên 60-70% số hộ gia
đình, tương đương khoảng 14,2 triệu thuê bao.
PV (Tổng hợp)
Ads: Chia sẻ cach giam mo bung và cach lam trang da an toàn hiệu quả tại nhà